Bản tin Dak Lak

Khám phá nhà dài Ê đê, ngôi nhà truyền thống chứa nhiều ý nghĩa

Ê đê là dân tộc có nền văn hóa cũng như phong tục tập quán vô cùng đặc sắc và rõ nét. Trong đó, nhà dài Ê đê là một trong những biểu tượng văn hóa của đồng bào nơi đây. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những thông tin xung quanh căn nhà độc đáo này.

Nhà dài Ê đê là gì?

Nhà dài trong nét văn hóa của người Ê đê mang đến nhiều giá trị khác nhau. Căn nhà này mang đậm phong tục tập quán của người dân nơi đây. Nhà dài được cất dựng từ tre nứa và gỗ. Tất cả những căn nhà này đều là nhà sàn thấp. Mặt sàn và các vách tường được làm bằng những vật liệu vô cùng quen thuộc với người Ê đê. Từ cây bương, thân cây tre già đập dập, người dân có thể tạo nên những bức tường và mặt sàn cho căn nhà.

Mái của nhà dài được lợp bằng cỏ tranh. Phần mái được lợp thành từng cụm, từng lớp chồng lên nhau. Gốc của cỏ tranh được bẻ gập, giấu vào bên trong, phần ngọn được thả xuôi xuống theo mái nhà.

Nhà dài Ê đê
Nhà dài Ê đê

Chiều dài của những ngôi nhà này phụ thuộc vào sự thịnh vượng của gia đình ấy. Nếu con cái trong gia đình lập gia thất và sinh sống tại đây thì ngôi nhà cứ được nối dài dần ra. Cá biệt, trong thời Pháp thuộc, có căn nhà của ông Ama Ha dài đến 200m.

Ý nghĩa của nhà dài Ê đê

Nhà dài Ê đê mang đến nhiều ý nghĩa khác nhau. Đây là nơi sinh sống của các thế hệ trong một gia đình. Đồng thời nó còn cho thấy chế độ mẫu hệ săc nét của người dân tộc Ê đê. Đã có rất nhiều thuyết minh về nhà dài Ê đê khác nhau. Nhưng nhìn chung, nó đều tìm đến những ý nghĩa cơ bản của căn nhà này.

Bạn đọc đã bao giờ thắc mắc về nơi để người Ê đê sinh hoạt tập thể trong buôn làng được gọi là gì chưa. Thực tế đó chính là căn nhà dài. Căn nhà này không chỉ là nơi sinh sống của các hộ gia đình. Tại căn nhà dài của trưởng làng, các buổi tụ họp, sinh hoạt hay thực hiện các nghi lễ của buôn làng được diễn ra. Chính vì vậy những căn nhà này luôn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.

Những người con gái trong gia đình khi đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ đi hỏi chồng và sau khi cưới hai vợ chồng sẽ sinh sống tại căn nhà dài của gia đình. Mỗi một người con gái lấy chồng thì căn nhà sẽ lại được nối dài ra. Trong truyền thống của người Ê đê, phụ nữ là người làm chủ, là trụ cột của gia đình. Chính vì vậy, nhà dài cũng nằm dưới sự quản lý của người phụ nữ trong gia đình.

Nhà dài mang nhiều ý nghĩa
Nhà dài mang nhiều ý nghĩa

Cầu thang đực, cầu thang cái của nhà dài

Những căn nhà dài bao giờ cũng có hai cầu thang đực và cầu thang cái khác nhau. Cầu thang cái thường to và đẹp hơn những chiếc cầu thang đực. Để có thể làm được một chiếc cầu thang này không chỉ một hai ngày là xong. Ngay từ lúc đốn củi trong rừng, người đốn cũng đã phải làm lễ xin Giàng, khi đưa gỗ về nhà cũng cần phải cúng.

Người phụ nữ đứng đầu trong căn nhà sẽ dùng búa bửa một nhát đầu tiên. Sau đó thợ làm cầu thang mới được phép tiến hành đục đẽo. Thông thường, cầu thang cái sẽ có khoảng 5 đến 7 bậc. Theo quan niệm của người Ê đê, 5 và 7 là những con số đẹp, may mắn, mang đến nhiều điềm lành.

Trên cầu thang cái sẽ được chạm hai bầu vú. Điều này tượng trưng cho uy quyền của người phụ nữ trong gia đình. Phần bầu sữa này phải được đục đẽo tỉ mỉ, đồng đều, không được to nhỏ, không cân bằng.

Cầu thang cái chỉ dành riêng cho những người phụ nữ và khách quý của gia đình sử dụng. Cầu thang đực là cầu thang dành riêng cho đàn ông, con trai. Cầu thang này có thể dựng bao nhiêu bậc tùy ý vì không cần thiết phải kiêng cữ. Đồng thời, chiếc cầu thang này cũng không cần quá chú trọng đến việc điêu khắc, trạm trổ.

Cầu thang đực và cầu thang cái
Cầu thang đực và cầu thang cái

Thực tế nhà dài Ê đê hiện nay

Thuận theo sự phát triển chung của xã hội, nhà dài Ê đê ngày càng trở nên thưa vắng hơn. Trên thực tế, trong các buôn làng, nhà dài vẫn chiếm được số lượng lớn. Tuy nhiên, độ dài của những căn nhà này không còn được như trước.

Nguyên nhân được cho là phong tục, tập quán nơi đây đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Đồng thời, các nguyên liệu phục vụ cho việc dựng nhà dài cũng không còn được phong phú như trước đây nữa. Chính vì vậy mà các căn nhà dài đang dần trở nên vắng bóng. Những căn nhà thực sự dài với chiều dài lên đến 30m mang đặc trưng của người Ê đê ngày nay cũng không còn nhiều nữa.

Tuy nhiên, nhà dài vẫn mang trong mình giá trị truyền thống và văn hóa của người Ê đê. Do đó, nó được trân trọng và nâng niu. Ngày nay, nhà dài còn trở thành một di sản quý giá của người Ê đê Tây Nguyên và là một sản phẩm du lịch độc đáo của người dân nơi đây.

Trên đây là những chia sẻ xung quanh nhà dài của người Ê đê để bạn đọc có thể tham khảo. Hy vọng, thông qua bài viết, bạn đọc có thể tìm thấy cho mình những thông tin hữu ích.

Xem thêm: