Bản tin Dak Lak

Tín ngưỡng của người Ê đê có gì đặc sắc?

Mỗi một dân tộc khác nhau thường sẽ tôn thờ những tín ngưỡng khác nhau. Trong truyền thống văn hóa của người Ê đê, những biểu tượng văn hóa của đồng bào này thường là những vật có kích thước to lớn, đại diện cho sức mạnh và thể lực. Bên cạnh đó nó còn thể hiện được tín ngưỡng của người Ê đê. Bài viết hôm nay sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về tín ngưỡng của người Ê đê.

Đôi nét về người Ê đê

Ê đê là cộng đồng người đã xuất hiện từ rất lâu tại vùng đất Tây Nguyên. Trên thực tế, cộng đồng này có nguồn cội ở vùng ven biển và sử dụng tiếng Mã Lai làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Mặc dù đã du nhập vào Việt Nam và định cư tại vùng cao thế nhưng các tập tục, văn hóa và tín ngưỡng của người Ê đê vẫn được giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau.

Ê đê là dân tộc có dân số đông đứng thứ 12 trên tổng dân số của người Việt Nam. Theo ước tính, hiện nay dân số của cộng đồng người Ê đê giao động trong khoảng 331.000 người. Cộng đồng này cư trú chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk, ở phía Nam tỉnh Gia Lai, phía Tây tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên.

Cuộc sống người Ê đê có rất nhiều điều đặc sắc để chúng ta khám phá. Một trong số đó là tín ngưỡng của người Ê đê.

Người Ê đê
Người Ê đê

Tín ngưỡng của người Ê đê

Dân tộc Ê đê có niềm tin vào vạn vật hữu linh. Điều này có nghĩa là tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống của con người đều có linh hồn và có liên quan đến thần linh. Mọi vật trên thế giới này đều được tạo ra dưới bàn tay của các vị thần. Những vị thần này tồn tại ngay trong vạn vật hiện hữu đó.

Thần đất và thần nước

Trong tín ngưỡng của người Ê đê, đất và nước đều là những vật báu được các vị thần tạo nên. Thần Aê Điê và Aê Đu đã sáng tạo nên đất, nước. Sau khi đã sáng tạo nên đất, nước, nguồn tài nguyên này lại được cai quản bởi những vị thần riêng. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn luôn tồn tại một mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau, cùng nhau chi phối và hỗ trợ cho cuộc sống của dân làng.

Trong các bản làng của người Ê đê thường sẽ có những người nắm giữ chức sắc như Pô Lăn, Pô pin ea. Đây hoàn toàn là những người trần mắt thịt. Tuy nhiên họ được giao trọng trách đại diện cho thần linh và là sứ giả của các vị thần, có nhiệm vụ quản lý đất và nước của bản làng theo thần linh.

Lễ cúng bến nước
Lễ cúng bến nước

Thần đất

Thần đất có tên gọi là Jang lăn, vị thần này có nhiệm vụ trông nom và bảo vệ đất đai cho các bản làng. Giúp cho đất trở nên màu mỡ, đầy sức sống, chứa nhiều dưỡng chất để nuôi dưỡng cây cối cũng là nuôi dưỡng cho chính cuộc sống của con người.

Chính vì vậy, khi khai phá và canh tác đất đai, người dân cần phải tuân theo đúng mọi tập tục của dân tộc mình. Tuyệt đối không được phép phạm vào những điều kiêng kị. Ngoài ra, dân làng Ê đê thường sẽ tiến hành làm các lễ cúng thần Jang lăn với tất cả sự nghiêm túc và tôn trọng nhất, mong muốn thần phù hộ cho vụ mùa, cho cuộc sống của dân làng.

Thần nước

Pô pin ea là sứ giả của thần nước. Thần nước mang đến cho dân làng Ê đê nguồn nước sạch, không bị pha lẫn với tạp chất, tạp hóa, phục vụ cho đời sống của con người và vạn vật nơi đây. Mỗi năm, vào cuối mùa khô, dân làng Ê đê cũng sẽ tổ chức lễ cúng thần nước tại các bến nước. Ngoài ra, đôi khi lễ cúng cũng được tổ chức ngay tại nhà của khoa pin ea.

Trong lễ cúng này, dân làng cần phải hiến tế trâu hoặc lợn. Sau đó khấn cầu mong muốn sự yên lành cho bản làng, mùa màng được tươi tốt và gia súc chóng lớn đẻ nhiều.

Những vị thần khác

Bên cạnh thần đất và thần nước, dân làng Ê đê còn thờ cúng những vị thần cai quản mùa màng và sản xuất. Có rất nhiều vị thần được người Ê đê tôn thờ và kính trọng, cầu xin được che chở.

Người Ê đê có nhiều lễ cúng thần
Người Ê đê có nhiều lễ cúng thần

Thần gió

Thần gió trong tín ngưỡng của người Ê đê có tên là Kăm Angin. Hàng năm, cứ vào đầu mùa rẫy khoảng tháng 2 hay tháng 3, dân làng Ê đê sẽ tổ chức lễ cúng thần gió để cầu xin ngài che chở, giúp dân làng thoát khỏi những cơn bão lớn gây hại đến mùa màng.

Thần thiện – thần ác

Khi vào mùa vụ thu hoạch, người dân Ê đê sẽ làm lễ tế thần thiện hay còn gọi là thần Aê Điê, mong ngài ban phước và chở che cho mùa vụ của dân làng. Sự che chở của ngài sẽ hạn chế được sự ảnh hưởng và tác động của thần ác (thần Jang Liê), tránh cho thú rừng, sâu bọ hay chim chuột tàn phá ruộng nương, hoa màu của người dân.

Ngoài ra, người Ê đê còn có rất nhiều lễ thờ cúng khác nhau. Trong đó có các nghi lễ liên quan đến ngành nghề đan lát và chài lưới.

Người dân Ê đê với niềm tin vào vạn vật hữu linh đã luôn cầu mong sự ban ơn và che chở của các vị thần. Cùng với niềm tin tín ngưỡng này, hầu hết người dân nơi đây đều sống rất tình cảm, thiện lành và tin vào luật nhân quả.

Xem thêm: