Bản tin Dak Lak

Chồng đi làm ăn xa, vợ ở nhà khai tử

Chồng đi làm ăn xa, hàng tháng vẫn gửi tiền lương về cho vợ nuôi con. Nhưng không hiểu vì lý do gì, vợ ở nhà đã làm giấy chứng tử cho chồng.

Vụ việc hy hữu trên xảy ra tại gia đình ông Y Đuel Niê, ngụ xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Chồng đi làm ăn xa, vợ ở nhà khai tử 1

Ông Y Đuel Niê - người đàn ông còn sống nhưng bị vợ báo tử (Hình: Báo Tiền Phong)

Còn khỏe mạnh nhưng lại bị vợ báo tử

Đầu năm 2019, ông Y Đuel Niê đi làm thuê ở Đắk Nông. Đều đặn hàng tháng ông đều gửi tiền về cho vợ nuôi con, sắm sửa trong gia đình.

Đến khoảng giữa tháng 9 ông trở về nhà thì được biết đất rẫy của nhà mình đã bị bán cho người khác. Người mua đất của ông tên Vinh, khi ông tìm gặp ông Vinh để nói chuyện cho ra lẽ thì ông Vinh bất ngờ nói “Ông chết rồi mà!”.

Ông lấy làm lạ và lên chính quyền xã để kiểm tra thì được biết đúng là mình đã chết trong khi vẫn đang sống bình thường, khỏe mạnh. Theo giấy trích lục khai tử số 14/TLKT ngày 12/04/2018, ông Y Đuel Niê đã chết lúc 2h ngày 01/01/2017 do bệnh.

Báo tử trong khi còn sống: Lỗi tại ai?

Nguyên nhân tại sao ông Y Đuel Niê còn sống nhưng lại bị vợ khai báo tử thì chưa được hé lộ. Song qua đó có thể thấy cán bộ tư pháp xã làm việc thiếu sót. Khi vợ ông Y Đuel Niê khai báo chồng mình đã chết, cán bộ tư pháp xã đã không đi kiểm tra thực tế mà đã vội vàng làm giấy chứng tử.

Chồng đi làm ăn xa, vợ ở nhà khai tử 2

Giấy chứng tử của ông Y Đuel Niê (Hình: Báo Tiền Phong)

Sau khi sự tình đã rõ, ông Y Đuel Niê trở về và yêu cầu chính quyền địa phương đính chính lại sự việc, rằng mình còn sống và bỏ giấy chứng tử. Tuy nhiên cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, quy trình cấp giấy chứng tử đối với một người đã chết như sau:

  • Nếu chết do tai nạn giao thông thì do CSGT thông báo;
  • Nếu chết ở bệnh viện thì sẽ có giấy báo tử;
  • Còn chết tại nhà mà có nhiều nghi vấn thì cán bộ tư pháp sẽ đến trực tiếp nhà người chết để xác minh sau đó mới cấp giấy chứng tử.

Nhưng trong trường hợp của ông Y Đuel Niê thì cán bộ tư pháp đã không làm đúng quy trình, vì quá tin lời người vợ mà không đi kiểm tra thực tế mới dẫn đến vụ việc đau lòng nói trên.

Việc ông Y Đuel Niê còn sống nhưng bị vợ khai tử đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của ông. Hiện ông đang bức xúc và chờ đợi câu trả lời từ chính quyền địa phương, mong muốn sớm trả lại “sự sống” cho chính mình.

Xem thêm: