Nội dung chính
2 nét văn hóa không thể thiếu của bà con dân tộc Xê Đăng tại Đắk Lắk
Từ xưa đến nay, trải qua nhiều thế hệ người Xê Đăng đã làm ăn sinh sống tại buôn H’ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) vẫn luôn nỗ lực duy trì và bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chính vì sự nỗ lực và cố gắng đó đã góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và nước ta nói chung.
Trong rất nhiều nét văn hóa còn lưu truyền đến ngày hôm nay thì có 2 nét văn hóa nổi bật nhất, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con người Xê Đăng. Đó là văn hóa cồng chiêng và văn hóa mừng lúa mới.
1. Văn hóa cồng chiêng
Nói đến văn hóa của người dân tộc Xê Đăng không thể không nhắc đến không gian văn hóa cồng chiêng. Nét văn hóa này gắn bó mật thiết với con người Xê Đăng cũng như là hơi thở trong cuộc sống của họ. Đặc biệt, họ có không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc mình.
Cồng chiêng như là sinh khí của cuộc sống của người dân tộc Xê Đăng
Được biết, người gắn bó với đội cồng chiêng của người Xê Đăng lớn tuổi nhất có tên là A nol (buôn H’ring), đã bước qua tuổi 77. Tuy nhiên, ông vẫn là linh hồn trong đội cồng chiêng của dân tộc, đôi tay ông vẫn luôn miệt mài đánh vang tiếng chiêng trong các dịp lễ hội. Đặc biệt ông hiện đang là người hướng dẫn lũ trẻ trong buôn cách đánh chiêng để duy trì văn hóa của dân tộc Xê Đăng.
Họ xem tiếng chiêng như là sinh khí của cuộc sống. Vì vậy, cộng đồng đã luôn duy trì và bảo tồn nét văn hóa cồng chiêng của mình để thanh âm của cồng chiêng luôn vang vọng khắp núi rừng, gắn kết cộng đồng người Xê Đăng mỗi dịp có lễ hội.
2. Lễ hội mừng lúa mới
Trong thời đại công nghệ 4.0 như ngày nay khiến cho rất nhiều nghi lễ của các dân tộc đang dần bị mai một, hay chỉ xuất hiện để biểu diễn mang tính phục dựng thì “Lễ mừng lúa mới” của bà con người Xê Đăng tại tỉnh Đắk Lắk vẫn được duy trì đều đặn và còn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của dân tộc mình.
Nghi lễ cúng Giàng trong lễ mừng lúa mới
“Lễ mừng lúa mới” của người Xê Đăng thường được tổ chức vào ngày 1/1 hàng năm. Khi mà ánh mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu tiên trên mảnh đất H’ring thì những người con Xê Đăng trong buôn sẽ lại tụ tập về nhà truyền thống để dâng lễ vật mà tự tay người dân sản xuất để cúng Giàng (thần linh), cầu cho mùa mới mưa thuận gió hòa, bà con được sung túc, đoàn kết.
Sau các nghi lễ, tất cả bà con Xê Đăng tụ lại cùng nhau tận hưởng những tiếng cồng chiêng rộn ràng, say đắm trong men nồng của rượu cần, mùi thơm từ cơm lúa mới và ngất ngây trong điệu múa truyền thống của dân tộc.
Đối với người Xê Đăng tại Đắk Lắk, đây là 2 văn hóa không thể thiếu trong đời sống của dân tộc, cho nên việc gìn giữ những nét văn hóa của chính ông cha để lại là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy được những nét văn hóa truyền thống của người Xê Đăng trên cao nguyên Đắk Lắk không chỉ là niềm tự hào mà còn là một bông hoa rất nổi bật đang khoe sắc trong vườn hoa di sản văn hóa của các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này.
Xem thêm: