Bản tin Dak Lak

Những chú voi ở Tây Nguyên đang kêu cứu từng giờ

Tây Nguyên, đặc biệt tại Đăk Lăk là khu vực có số lượng voi sinh sống đông nhất trên cả nước. Voi không chỉ là nét đặc sắc trong văn hóa mà còn là người bạn thân thiết của cộng đồng dân tộc tại đây. Thế nhưng, thực tế có ai đang nghe thấy tiếng kêu cứu của những chú voi ở Tây Nguyên?

Đến tận hôm nay, cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Đăk Lăk vẫn truyền tai nhau câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về các chú voi có bản tính hiền lành nhưng ham ăn. Họ lấy đó làm cội nguồn, làm lời răn dạy con cháu biết trân quý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ những con vật vốn thuộc về đất trời. Hình ảnh chú voi được thuần dưỡng thân thiện, gắn bó trong từng nhịp sống đời thường mãi ấn tượng đẹp đẽ của du khách khi ghé thăm vùng đất Tây Nguyên.

Sự ra đi của những chú voi

Chi cục kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk cho biết, số lượng voi nhà của tỉnh thống kê vào năm 1980 là 502 con. Mười năm sau, con số này chỉ còn hơn một nửa. Đến năm 2000, toàn tỉnh cũng chỉ còn sót lại 96 con.

số lượng voi nhà giảm mạnh

Số voi nhà này tập trung chủ yếu ở các huyện như: Lăk, Buôn Đôn và Easup. Tuy nhiên, hàng năm, số lượng voi già yếu càng tăng khiến cho tổng số con trong đàn cứ thế giảm dần. Với tốc độ như vậy, chỉ cần khoảng 20 năm nữa, khó mà tìm thấy bóng dáng chú voi nhà nào còn sót lại.

Đàn voi rừng cũng rơi vào cảnh tương tự khi chạm mốc chưa tới 100 con. Tình trạng phá rừng xảy ra liên tục khiến môi trường sống của chúng bị đe dọa nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng phải “di cư” qua vùng khác với muôn vàn khắc nghiệt và khác biệt. Người ta ngày càng thấy những hình ảnh về các chú voi hoang dã kiệt sức, nhiễm bệnh nằm chết bên bìa rừng trở nên phổ biến.

voi con chết bên bìa rừng

Bên cạnh đó, việc buôn bán các sản phẩm từ voi cũng là nguyên nhân tiếp tay cho nạn săn bắn, giết hại voi trái phép được đà hoành hành. Sở hữu những chiếc ngà voi tinh xảo, nhẫn lông đuôi voi may mắn nhưng mấy ai biết được đằng sau đó là sự đau đớn, hao mòn về thể xác lẫn số lượng của loài động vật đang dần suy kiệt. Điều này đã vang lên hồi chuông báo động nghiêm trọng trong công tác bảo vệ voi rừng lẫn voi nhà hiện nay.

Voi có thực sự đang được bảo vệ

Trước sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng voi, nhiều văn bản, chỉ thị đã được được đưa ra nhưng kết quả vẫn chỉ đang là những cuộc hội thảo lấy ý kiến. Trong khi đó, sự sống của đàn voi Tây Nguyên đang bị đe dọa đến từng phút. Trung tâm bảo vệ, bảo tồn hàng chục tỷ vẫn không kịp can thiêp để tình hình khả quan hơn.

công tác bảo vệ voi

Theo nhiều người dân, voi rừng chết do không có nơi sinh sống, nhưng đến voi nhà, khả năng duy trì giống nòi cũng rất kém, vì phần lớn đều thuộc hàng “cao tuổi”. Mặt khác, vào mùa sinh sản, voi thường trở nên rất hung dữ nên người dân buộc phải xích lại, bỏ đói để kìm hãm. Tuy nhiên, đây không thực sự là phương án hiệu quả.

voi bị xích trong mùa sinh sản

Thực trạng trên cho thấy, để duy trì và bảo vệ số lượng voi rừng, voi nhà hiện nay cần có sự phối hợp giữa người dân cùng cơ quan chức năng. Phải có biện pháp để bảo tồn môi trường sống an toàn, tạo điều kiện để voi sinh sản, tăng cường thuần dưỡng voi. Bởi lẽ, những hoạt động văn hóa, du lịch cần đến voi hiện nay rất nhiều, nếu không can thiệp kịp thời, chắc chắn với số lượng ít ỏi như hiện nay, rất khó để có thể tiếp tục nhắc đến voi như một nét văn hóa điển hình của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Xem thêm: