Bản tin Dak Lak

Chuyện về thầy giáo cơ khí trồng nấm bào ngư

Là thầy giáo giảng dạy môn cơ khí nhưng anh Nguyễn Đình Hùng, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Búk lại có niềm đam mê với nấm và quyết định trồng nấm bào ngư.

Trại nấm bào ngư của thầy Hùng

Trại nấm bào ngư của thầy Hùng (hình minh họa)

Đầu tư 60 triệu trồng nấm

Gần 7 năm làm giáo viên giảng dạy tại Trung tâm, thầy giáo Hùng chưa bao giờ quên đam mê của mình chính là kinh doanh. Đầu năm 2019, được Trung tâm tạo điều kiện, thầy Hùng bắt đầu thực hiện đam mê của mình, đó là đam mê trồng nấm. Thầy lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm, đồng thời đến trực tiếp các cơ sở trồng nấm ở Tp.HCM và Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm.

Nhận thấy trong tất cả các loại nấm, nấm bào ngư là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, thầy quyết định đầu tư 60 triệu đồng để thực hiện kế hoạch. Trong 60 triệu đó, thầy được Trung tâm nơi mình giảng dậy cho mượn 40 triệu và cho mượn địa điểm làm nhà trại.

Nỗ lực chăm sóc từng ngày

Trồng nấm bào ngư có 2 cách, một là chất phôi lên kệ và hai là treo bằng dây. Sẵn có trong tay nghề cơ khí, thầy Hùng tự mua sắt về làm kệ và thiết kế hệ thống phun sương tự động, có thể xoay các hướng.

Trong 90 m2 diện tích, thầy sắp xếp khoa học để 8.000 phôi nấm bào ngư không chất quá ba lớp trên kệ.

Trồng nấm đòi hỏi sự tỉ mẩn và cẩn trọng

Trồng nấm đòi hỏi sự tỉ mẩn và cẩn trọng

Thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên không ít lần phôi bị mốc, tơ nấm không mọc lên được. Không nản chí, thầy tự nhủ “thất bại là mẹ thành công” và cố gắng từng ngày. Nhờ vào sự kiên trì nỗ lực, sau khoảng 15 ngày cấy meo thì phôi giống phát triển thành nấm non.

Thầy Hùng chia sẻ, thoạt nhìn thì thấy trồng nấm bào ngư rất dễ, nhưng khi làm mới biết nó đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến thế nào. Để nấm phát triển, phải đảm bảo nhiệt độ phòng ở mức 28 độ C, độ ẩm 80 – 90%, xung quanh trại cần dùng lưới che chắn để tránh ánh nắng trực tiếp và ngăn chặn sự xâm hại của côn trùng.

Chưa hết, việc tưới nước cũng phải tưới dạng phun sương, không được tưới trực tiếp vào bên trong vì sẽ gây ứ nước dẫn đến úng phôi. Kể cả khâu thu hoạch cũng phải rất cẩn thận nếu không sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của nấm.

Nhờ vào sự học hỏi không ngừng và sự cố gắng từng ngày, thầy Hùng đã điều chỉnh được thời gian thu hoạch vào các ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Bởi đây là thời điểm người tiêu dùng mua nấm nhiều nhất, đồng thời nấm được bán ra với giá cao nhất, khoảng 35.000 đồng/kg. Đợt thu hoạch đầu tiên của thầy được 200kg nấm tươi.

Với kết quả đạt được, thầy Hùng dự định sẽ mở rộng trồng nấm bào ngư và cải mầm, đồng thời nghiên cứu sản xuất lò hấp khử trùng, máy trộn mùn cưa để phục vụ cho trại nấm ngày một sản xuất hiệu quả hơn.

>>> Xem thêm: