Nội dung chính
Người dân vùng sâu xã Ya Tờ Mốt biết trồng sả lấy tinh dầu
Là một xã vùng sâu thuộc huyện Ea Súp, người dân tại xã Ya Tờ Mốt đã biết tự vươn lên, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống bằng cách trồng sả lấy tinh dầu.
Từ sự học hỏi
Năm 2015, nghe tin xã Ea Tir, huyện Ea H’leo có mô hình trồng sả mang đến hiệu quả kinh tế cao, bà Vy Thị Mai (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ya Tờ Mốt) cùng bà Hà Thị Khăm và ông Hà Ngọc Tân đã sang tận nơi để học hỏi.
Nhận thấy sả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, hợp với thổ nhưỡng nên bà đã mua về 6 tạ giống trồng thử.
Sả là cây dễ trồng, đem lại lợi nhuận cao
Giữa năm 2016, bà Mai nhân rộng 3 ha và cùng bà Khăm góp vốn đầu tư xây dựng lò nấu tinh dầu sả với tổng chi phí 180 triệu đồng. Mỗi mẻ, lò nấu được từ 7 tạ đến 1 tấn lá sả, thu được 8 – 12 kg tinh dầu, bán ra với giá trung bình 250.000 đồng/kg.
Thành lập Hợp tác xã tinh dầu sả
Nhận thấy việc trồng sả có thể giúp người dân xã Ya Tờ Mốt xóa đói giảm nghèo, tháng 05/2018, bà Mai đứng ra thành lập Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt với 9 thành viên, vốn điều lệ 280 triệu đồng.
Hợp tác xã đã tạo ra công ăn việc làm cho các thành viên, đồng thời cung ứng giống và hỗ trợ kỹ thuật cho các nông hộ trong và ngoài xã trồng sả, nhận ép tinh dầu và thu mua sản phẩm cho nông dân. Hợp tác xã đồng thời tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Bà Mai cho biết, nếu trồng và chăm sóc tốt thì sau 3 tháng sả sẽ cho thu hoạch. Mỗi năm, 1 ha sả sẽ cho thu hoạch 6 đợt, năng suất ước đạt 3 – 4 tấn/đợt, ép được khoảng 35kg dầu. Với giá bán hiện nay khoảng 400.000 đồng/kg, mỗi năm 1 ha sả đem đến thu nhập khoảng 80 triệu đồng, tính ra cao gấp 3 lần trồng lúa.
Trồng sả đem lại công ăn việc làm, giúp thu nhập ổn định
Còn nhiều trăn trở
Mặc dù việc thành lập Hợp tác xã đã mở ra triển vọng về phát triển kinh tế, nhưng để mở rộng quy mô và phát triển hơn nữa thì hợp tác xã vẫn chưa chủ động được nguồn vốn.
Theo lời bà Mai, được biết hiện nay nhu cầu của thị trường về tinh dầu sả rất lớn, trong khi thổ nhưỡng của địa phương thích hợp với loại cây trồng này, đồng thời nguồn lao động vô cùng dồi dào, nếu có thể mở rộng quy mô thì tin chắc rằng hợp tác xã sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng để mở rộng quy mô, hợp tác xã cần số vốn khoảng 500 – 600 triệu đồng.
Ông Trần Quang Trịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cho biết, trồng sả là mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế... Chính vì những ưu điểm đó, ông cho biết sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho hợp tác xã mở rộng quy mô, liên kết với các hộ dân phát triển mô hình trồng sả lấy tinh dầu này.
>>> Xem thêm:
- WASI khuyến khích người dân thực hiện mô hình trồng xen
- Chuyện về thầy giáo cơ khí trồng nấm bào ngư
- Trồng xen cây ăn quả, lão nông trở thành triệu phú