Bản tin Dak Lak
Nội dung chính
  1. Rau hữu cơ là gì?
  2. Ưu và nhược điểm của trồng rau hữu cơ
    1. Ưu điểm
    2. Nhược điểm
  3. Một số mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà đơn giản
    1. Trồng rau hữu cơ tại nhà bằng thùng xốp
    2. Trồng rau hữu cơ bằng công nghệ thủy canh
    3. Tháp rau hữu cơ
    4. Trồng rau hữu cơ bằng cách treo tường
    5. Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới
  4. Quy trình sản xuất rau hữu cơ tại nhà
  5. Chi phí trồng rau hữu cơ như thế nào?
  6. Kỹ thuật trồng rau hữu cơ
    1. Chuẩn bị đất và giống rau
    2. Chuẩn bị phân bón
    3. Phương pháp ủ nóng phân
    4. Chuẩn bị nước tưới
    5. Ngâm hạt
    6. Gieo trồng và chăm sóc rau hữu cơ
    7. Phòng trừ sâu bệnh
    8. Ghi chép sổ sách
  7. Lựa chọn đất trồng cây hữu cơ như thế nào?
    1. Độ pH
    2. Không khí của đất
    3. Cấu tạo đất
    4. Chất dinh dưỡng
    5. Nước
  8. Những nguyên tắc cơ bản trong việc trồng rau hữu cơ
    1. Quản lý nước tưới hợp lý
    2. Đảm bảo sự đa dạng sinh học
    3. Bảo vệ môi trường đất
    4. Không biến đổi gen
    5. Không sử dụng các chất hóa học
  9. Một số lưu ý khi trồng rau hữu cơ
    1. Nên bắt đầu với những loại rau dễ trồng
    2. Lựa chọn không gian thích hợp
    3. Lựa chọn loại đất trồng phù hợp
    4. Phân bón và dung dịch dinh dưỡng thủy canh
    5. Yếu tố ánh sáng
    6. Kiểm soát nấm mốc
    7. Thường xuyên quan sát rau
    8. Tạo môi trường phát triển cho côn trùng có ích
    9. Thu hoạch rau an toàn và hiệu quả
    10. Cải tạo đất trồng sau mỗi vụ
  10. Lợi ích của trồng rau hữu cơ
    1. Dinh dưỡng và độ an toàn
    2. Bảo vệ thiên nhiên và môi trường
    3. Kiểm soát xói mòn đất
  11. Những khó khăn khi trồng rau hữu cơ
    1. Điều kiện đất trồng
    2. Phân bón
    3. Trồng rau quá dày
    4. Vùng trồng rau thường hay bị ẩm, bẩn
  12. Gợi ý một số giống rau hữu cơ phổ biến nhất

Trồng rau hữu cơ Organic đơn giản và hiệu quả nhất

Ngày nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành mối lo ngại của nhiều người. Khi thực bẩn, kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường thì nhu cầu về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn trở nên cao hơn bao giờ hết. Do vậy phương pháp trồng rau hữu cơ đang trở nên thịnh hành và nhân rộng bởi chi phí không cao, cách trồng đơn giản, tiện lợi, vừa có thực phẩm an toàn mà không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Dưới đây là những kiến thức về trồng rau hữu cơ Organic đơn giản và hiệu quả nhất.

Rau hữu cơ là gì?

Rau hữu cơ là loại rau an toàn, có hàm lượng dinh dưỡng cao do được trồng trong điều kiện tự nhiên, không sử dụng phân bón, không thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích và chất biến đổi gen. Rau hữu cơ được trồng trong môi trường sạch sẽ về nguồn nước, đất đai và khí hậu.

Mô hình trồng rau hữu cơ
Mô hình trồng rau hữu cơ

Ưu và nhược điểm của trồng rau hữu cơ

Trồng rau hữu cơ mang những ưu điểm nhất định về sự an toàn, dinh dưỡng nhưng cũng có những nhược điểm đi kèm. Dưới đây là những ưu và nhược điểm của trồng rau hữu cơ.

Ưu điểm

  • Trồng rau hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu hay diệt cỏ độc hại nên rất thân thiện môi trường. Cung cấp cho người dùng nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe.
  • Khi sử dụng mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà, vừa có thể thư giãn với việc trồng rau sau một ngày làm việc mệt mỏi, vừa có được nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
  • Cách thức chăm sóc đơn giản, tiết kiệm thời gian, công sức.
  • Tận dụng được nhiều khoảng trống không gian nhà để trồng rau như ban công, sân thượng, …
  • Rau hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng tự nhiên, vì vậy mùi vị rau ngon hơn.

Nhược điểm

  • Đối với bất kỳ mô hình nào cũng cần chi phí. Đối với các mô hình trồng rau tại nhà như mô hình thủy canh thì chi phí ban đầu thường khá cao, ngoài ra còn có các chi phí phát sinh.
  • Để trồng rau hữu cơ tốt cần phải chọn được đất tốt, cải tạo đất phù hợp nên thời gian chuẩn bị khá nhiều.
  • Rau hữu cơ cần được chăm sóc thật kỹ vì dễ có sâu bệnh, đòi hỏi người trồng cần tỉ mỉ và cẩn thận trong từng khâu gieo trồng.
  • Cần có kiến thức về canh tác trong các mô hình trồng rau hữu cơ để đem lại kết quả cao.

Một số mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà đơn giản

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mô hình trồng rau hữu cơ đơn giản. Dưới đây là một số mô hình trồng rau hữu cơ đơn giản mà bạn có thể áp dụng tại nhà.

Trồng rau hữu cơ tại nhà bằng thùng xốp

Trồng rau bằng thùng xốp là phương pháp trồng rau đơn giản nhất mà ai cũng có thể áp dụng. Trồng rau trên sân thượng bằng thùng xốp dường như trở thành phong trào của mọi người, mọi nhà.Với những nguyên liệu đơn giản như 1 vài thùng xốp, đất, hạt giống là bạn đã có thể trồng rau hữu cơ tại nhà. Những ưu điểm và nhược điểm nhất định của phương pháp này như:

+ Ưu điểm

  • Với nguyên liệu là thùng xốp thì chi phí đầu tư cho kế hoạch trồng rau hữu cơ có chi phí thấp, dễ tìm mua.
  • Bạn có thể mua số thùng xốp tùy ý với không gian ngôi nhà của bạn.
Trồng rau hữu cơ bằng thùng xốp khá phổ biến hiện nay
Trồng rau hữu cơ bằng thùng xốp khá phổ biến hiện nay

+ Nhược điểm

  • Vào mùa mưa thì việc di chuyển các thùng xốp khá khó khăn.
  • Thời gian sử dụng ngắn, vì lâu ngày thùng xốp sẽ dễ vỡ, ẩm mốc. Cũng vì thế mà tính thẩm mỹ khi trồng rau hữu cơ vào thùng xốp không cao.
  • Mỗi một thùng xốp chiếm vị trí khá nhiều, vì vậy để trồng rau trong thùng xốp bạn phải có không gian rộng rãi.

Trồng rau hữu cơ bằng công nghệ thủy canh

Đây là phương pháp trồng rau không dùng đất mà thay thế bằng dung dịch dinh dưỡng. Với nhiều ưu điểm như không dùng đất, không cần phân bón, thời gian sinh trưởng ngắn, rau thủy canh đang được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, trồng rau bằng phương pháp thủy canh cần lưu ý đến nguồn vi lượng trong dung dịch dinh dưỡng thủy canh, điều kiện che chắn cho rau để đem lại kết quả cao nhất.

Tháp rau hữu cơ

Là mô hình trồng rau sạch đang được nhiều hộ gia đình ưa chuộng bởi phù hợp với không gian sống, chi phí rẻ, hiệu quả cao. Đây là những chiếc thùng phi nhựa được rạch các lỗ theo mật độ hợp lý, tận dụng rác thải như vỏ chuối, bã cà phê, ... để hoai mục và phân hủy thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Mô hình tháp rau hữu cơ vừa có thể tiết kiệm diện tích, có thể trồng xen kẽ nhiều loại rau, vừa gọn nhẹ lại có tính thẩm mỹ cao. Với phương pháp trồng rau hữu cơ bằng tháp có một số ưu nhược điểm sau.

+ Ưu điểm

  • Tận dụng được rác thải: Trồng rau bằng tháp có thể tận dụng được nguồn rác thải như vỏ chuối, bã chè, bã cà phê bỏ đi để ủ phân bón cho rau.
  • Đa dạng các loại rau: Với mỗi tháp rau chứa rất nhiều hốc trồng, bạn có thể trồng xen kẽ nhiều giống rau khác nhau.
  • Tiết kiệm diện tích: Với diện tích yêu cầu chỉ cần từ 1 – 2 mét vuông để đặt tháp rau thì việc trồng rau hữu cơ bằng tháp tiết kiệm tối đa diện tích ngôi nhà của bạn.
  • Thiết kế thông minh: Có thể tháo lắp dễ dàng, tiện lợi trong việc di chuyển và đem lại thẩm mỹ cho ngôi nhà của bạn.
Trồng rau hữu cơ bằng tháp phù hợp với gia đình có diện tích nhỏ
Trồng rau hữu cơ bằng tháp phù hợp với gia đình có diện tích nhỏ

+ Nhược điểm

  • Giới hạn tầng tháp: Mỗi tháp tối đa 7 tầng để đảm bảo được khả năng chịu lực
  • Tuổi thọ tháp: Thời gian sử dụng tháp nhất định vì chất liệu tháp bằng nhựa, để ngoài nắng lâu ngày sẽ bị bạc màu, dễ vỡ.

Trồng rau hữu cơ bằng cách treo tường

Việc tận dụng không gian nhà bạn là những bức tường, lan can hay khoảng trống trước nhà để trồng rau sạch là một ý tưởng khá độc đáo. Với mô hình này bạn có thể tận dụng những lon sữa, bình hay chai nhựa bỏ đi để trồng rau. Với phương pháp này cũng tương tự như cách trồng rau bằng đất, chỉ khác biệt là khi trồng bạn phải cho đất vào lon sữa, bình hay chai nhựa để trồng rau.

Ngày nay, mô hình này rất thịnh hành và khá hiệu quả. Bạn có thể sử dụng các loại bình với kích cỡ khác nhau để tăng tính thẩm mỹ cho không gian nhà bạn.

Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới

Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới là một kỹ thuật trồng rau sạch đang được ứng dụng thực hiện rộng rãi bởi có thể áp dụng cho mọi quy mô. Kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới vừa có thể cung cấp nguồn rau sạch, vừa làm giảm tác động của khí hậu đến cây trồng. Một số ưu điểm và nhược điểm của mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới như sau.

+ Ưu điểm

Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới có ưu điểm lớn nhất là hạn chế được tác động của môi trường, khí hậu, thời tiết cho rau. Khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt, vì vậy hệ thống nhà lưới giúp rau không bị ảnh hưởng bởi sự nóng bức của mùa hè và những cơn mưa lớn. Vào mùa đông, hệ thống nhà lưới có thể hạn chế sương xuống rau, tạo môi trường tốt cho rau sinh trưởng và phát triển.

Một trong những ưu điểm của mô hình này là tuổi thọ của công trình được tính toán kỹ lưỡng khi thực hiện, với những mô hình được thiết kế, chất lượng tốt có thể duy trì từ 10 đến 20 năm.

Ngăn ngừa côn trùng gây sâu bệnh cho rau, từ đó hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, đảm bảo độ an toàn cho rau và đem lại năng suất cao.

+ Nhược điểm

Vào mùa nóng, nhiệt độ cao hơn nhiệt độ ngoài trời, vì vậy cần có hệ thống phun mưa để giảm bớt nhiệt độ lúc cao, hệ thống thông gió tốt.

Chi phí để làm nhà lưới khá cao nên nhiều người còn băn khoăn về vấn đề đầu tư.

Quy trình sản xuất rau hữu cơ tại nhà

Bước 1: Ngâm hạt giống. Đây là bước quan trọng để hạt giống nảy mầm đều, nhanh.

Bước 2: Xử lý đất trồng. Trộn hỗn hợp đất trồng, phân hữu cơ với nhau rồi cho vào khay, tháp với độ dày vừa phải. Kiểm tra độ an toàn, tơi xốp của đất trước khi trồng rau.

Đất trồng cần đảm bảo độ tơi xốp, an toàn
Đất trồng cần đảm bảo độ tơi xốp, an toàn

Bước 3: Gieo trồng. Phun nước ướt đều phần đất trồng rau, rải hạt giống đều rồi lấp một lớp đất mỏng phía trên bề mặt hạt.

Bước 4: Chăm sóc rau sạch hữu cơ. Nên trồng xen canh nhiều giống cây trồng cân bằng hệ sinh thái cây trồng, đồng thời tăng độ đa dạng sinh học. Tưới nước đều đặn cho cây từ 2 – 3 lần/ngày vào mùa hè, không xả trực tiếp nước vào cây con. Mùa mưa có thể hạn chế lượt tưới.

Bước 5: Quản lý sâu bệnh. Trồng rau hữu cơ nghiêm cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu vì vậy cần sử dụng các phương pháp tự nhiên, thường xuyên kiểm tra rau.

Bước 6: Thu hoạch. Rau hữu cơ sau khi thu hoạch được làm sạch bằng nguồn nước sạch, mức độ thiệt hại do sâu bệnh hay thời tiết có thể tối đa 10%.

Chi phí trồng rau hữu cơ như thế nào?

Tùy thuộc vào kế hoạch xây dựng quy mô trồng rau hữu cơ nhỏ hay lớn, vật liệu xây dựng công trình mà mức chi phí cho việc trồng rau hữu cơ nhiều hay ít. Ngoài chi phí đầu tư ban đầu còn có chi phí phát sinh hàng tháng như chi phí mua hạt giống, dung dịch dinh dưỡng thủy canh đối với mô hình trồng rau hữu cơ thủy canh, phân bón, …

Đối với mô hình trồng rau hữu cơ nhà lưới chi phí không quá cao vì chất liệu rẻ hơn so với nhà kính, không mất nhiều chi phí trong việc điều chỉnh về nhiệt độ hay độ ẩm. Ngoài ra, cần chi phí cho dây cáp, bu lông, xi măng cọc chống. Tùy vào điều kiện kinh tế để lựa chọn kích thước cọc chống phù hợp. Chi phí sản xuất nhà lưới trồng rau giao động từ 45 – 50 triệu. Với mức chi phí đầu tư ban đầu không quá cao, người dân có thể đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hồi vốn nhanh.

Chi phí trồng rau hữu cơ nhà lưới không quá cao
Chi phí trồng tau hữu cơ trong nhà lưới không quá cao

Với mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà bằng các mô hình như trồng trong tháp, thùng xốp, chai nhựa thì chi phí thấp hơn, giá thành rẻ, nguyên vật liệu dễ tìm, phù hợp với các hộ gia đình ở thành phố lớn. Với chi phí khoảng 2 – 3 triệu đồng bạn đã có thể có được một mô hình tháp rau hữu cơ tại nhà.

Mô hình trồng rau hữu cơ thủy canh tùy thuộc vào quy mô, tầng, và rổ trồng rau thủy canh. Chi phí trồng rau hữu cơ thủy canh phù thuộc vào mô hình và điều kiện kinh tế. Có những mô hình nhỏ từ vài triệu, đến những mô hình lớn tới vài trăm triệu.

Kỹ thuật trồng rau hữu cơ

Để trồng rau hữu cơ đạt hiệu quả cao, bạn cần nắm rõ được các kỹ thuật cơ bản trong việc trồng rau để áp dụng khi gieo trồng.

Chuẩn bị đất và giống rau

Vùng đất được chọn để trồng rau cần cách xa khu vực ô nhiễm, đảm bảo độ an toàn, không chứa các chất độc gây hại từ thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Ngoài ra, cần đảm bảo đất trồng rau có đủ độ tơi xốp, dinh dưỡng để trồng rau.

Đối với cây giống hay hạt giống, bạn nên chọn mua ở những địa chỉ bán uy tín, để có những giống rau tốt, chất lượng.

Chuẩn bị phân bón

Trồng rau hữu cơ yêu cầu đầu tiên là không sử dụng phân bón hóa học, mà sử dụng phân hữu cơ. Bạn có thể dùng phân chuồng, rơm, lá khô được ủ nóng đem bón cho cây, tạo điều kiện cho cây phát triển.

Bạn cũng có thể tận dụng những phế phẩm như bã cà phê, vỏ trứng, vỏ chuối để làm phân hữu cơ.

Phương pháp ủ nóng phân

Trước khi sử dụng phân chuồng để bón cho cây cần đem ủ phân. Nhiệt độ cao trong quá trình ủ phân giúp tiêu diệt cỏ dại, côn trùng gây bệnh, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ. Ủ phân làm giảm trọng lượng phân nhưng làm cho chất lượng phân chuồng tăng lên. Chất lượng phân có thể bị thay đổi tùy thuộc vào thời gian và cách thức ủ phân. Ủ phân quá lâu sẽ làm mất nhiều chất đạm, chưa đủ thời gian sẽ làm phân không đủ chất dinh dưỡng. Có nhiều phương pháp ủ phân như: ủ nóng, ủ nguội, ủ nóng trước nguội sau.

+ Ủ nóng: Khi lấy phân ra khỏi chuồng xếp thành từng lớp trên nền không thấm nước, tưới nước phân lên rồi trát bùn bao phủ quanh bên ngoài. Khi ủ từ 4 – 6 ngày, nhiệt độ trong phân có thể tới 60℃, đây là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật hữu cơ phát triển.

Đây là phương pháp giúp hạn chế các mầm mống sâu bệnh, tiêu diệt các hạt cỏ dại, thời gian ủ ngắn, chỉ từ 30 – 40 ngày. Tuy nhiên, ủ nóng phân sẽ để mất nhiều đạm.

+ Ủ nguội: Phân sau khi lấy ra khỏi chuồng, nén chặt, sau đó đem ủ với đất bột, đất bùn khô đập nhỏ và nén chặt, trát bùn phủ bên ngoài.

Phân khi ủ nguội thường thiếu oxy do bị nén chặt, vì vậy các vi sinh vật hoạt động chậm, đạm trong phân khó phân hủy nên lượng đạm bị mất đi giảm đáng kể. Tuy thời gian ủ phân có thể kéo dài từ 5 – 6 tháng nhưng chất lượng phân ủ nguội tốt hơn so với phân ủ nóng.

+ Ủ nóng trước nguội sau: Phân sau khi lấy ra khỏi chuồng để như vậy cho vi sinh vật hoạt động mạnh, tầm 5 – 6 ngày thì đem nén chặt. Sau khi nén thì xếp tiếp một lớp phân chuồng lên để 5 – 6 ngày rồi lại nén chặt. Cứ tiếp tục như vậy đến khi đạt đủ lượng phân cần cho gieo trồng thì trát bùn quanh bên ngoài đống phân. Với phương pháp này, thời gian so với ủ nguội có thể rút ngắn hơn, nhưng so với ủ nóng thì thời gian lại dài hơn.

Tùy vào thời gian, nhu cầu sử dụng phân ủ như thế nào để áp dụng các phương pháp hợp lí.

Chuẩn bị nước tưới

Hệ thống tưới tiêu cho rau hữu cơ là yếu tố rất quan trọng, là tiêu chí hàng đầu trong “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước tưới cần đảm bảo độ sạch, không chứa các tạp chất, không bị ô nhiễm và đã được xử lý. Tưới nước cho rau đúng kỹ thuật, đủ lượng nước thích hợp sẽ tạo điều kiện cho rau hấp thụ đủ các dưỡng chất để sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngâm hạt

Để hạt giống nảy mầm nhanh, đều bạn cần ngâm hạt với nước trước khi gieo trồng. Trước tiên bạn cần loại bỏ những hạt lép sau đó ngâm hạt giống với nước ở nhiệt độ ấm. Khi thấy hạt bắt đầu nứt vỏ, trộn hạt với giá thể (xơ dừa, trấu, ...) để hạt không bị dính và vón cục khi gieo trồng

Gieo trồng và chăm sóc rau hữu cơ

Việc trồng và chăm sóc rau hữu cơ giống với trồng rau thông thường. Tuy nhiên đòi hỏi công sức cao, nắm bắt được nguyên tắc về phân bón, nước, dinh dưỡng thì mới có thể đem lại hiệu quả cao được.

Khi mới gieo trồng cần tránh để nước mưa trực tiếp xả vào cây con vì có thể làm hỏng cây giống.

Đặt rau ở vị trí có ánh nắng để cây có thể phát triển, tạo điều kiện cho cây rau quang hợp. Đồng thời tưới nước đều đặn vào sáng sớm và chiều tối. Vào mùa mưa thì có thể giảm bớt lượng nước tưới, tưới quá nhiều sẽ làm rau bị úng nước, thối hỏng.

Cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho rau để rau phát triển tốt và nhanh thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh

Bạn nên thường xuyên kiểm tra rau, dọn cỏ cho rau, vệ sinh và phát quang cỏ dại trong và trước khi gieo trồng để vườn rau được thông thoáng.

Trong trồng rau hữu cơ nghiêm cấm sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thông thường khi cây nảy mầm vừa đủ bạn nên nhổ cỏ bằng tay để loại bỏ các cây cỏ dại để cây được phát triển hơn, tránh tình trạng để nhiều cây cỏ dại phát triển giành hết các chất dinh dưỡng của rau. Khi cây lớn, có thể sử dụng các biện pháp thủ công như bắt sâu, hoặc dùng các biện pháp dân gian như dùng nước tỏi, gừng để xịt lên lá.

Dùng tỏi để chế thành biện pháp trừ sâu tự nhiên
Dùng tỏi để chế thành biện pháp trừ sâu tự nhiên

Bạn cũng có thể sử dụng một số giống rau kháng côn trùng như cà chua kháng xoăn, thối rễ, … để giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Ngoài ra, việc trồng các loài hoa có màu sắc rực rỡ xung quanh vườn rau có thể thu hút côn trùng có lợi, côn trùng chống lại sâu bệnh.

Ghi chép sổ sách

Trồng rau hữu cơ đòi hỏi người trồng phải ghi chép sổ sách về các biện pháp, quy trình canh tác, sản lượng thu hoạch một cách đầy đủ nhất. Từ đó rút ra được cho bản thân kinh nghiệm, biện pháp điều chỉnh cho hợp lý về trồng và thu hoạch, sản xuất rau hữu cơ để đem lại kết quả tốt nhất.

Lựa chọn đất trồng cây hữu cơ như thế nào?

Để có vườn rau sạch hữu cơ tươi tốt, yếu tố quyết định khá quan trọng là nguồn đất. Đất trồng gồm 3 thành phần: phần khí, phần rắn và phần lỏng. Vậy như thế nào và làm sao để có được đất trồng tốt cho vườn rau hữu cơ của bạn. Dưới đây là một số yếu tố để có được đất trồng rau hữu cơ tốt.

Độ pH

Đây là thước đo độ axit hoặc tính bazơ của đất. Độ pH của đất phù hợp sẽ là điều kiện cần thiết cho cây trồng phát triển. Bạn có thể kiểm tra độ pH đất vào những thời điểm như trước khi bón phân, vôi bằng cách sử dụng máy đo pH hoặc giấy quỳ.

Qua kiểm tra độ pH của đất để có các biện pháp tác động vào đất hợp lí.

  • Chỉ số pH đất từ 3,0 - 5,0: Đất có tính axit cao làm cho cây trồng không thể hấp thu các chất dinh dưỡng, các vi sinh vật không thể hoạt động làm cho đất bị bí, nghèo dinh dưỡng. Đối với đất này cần bổ sung phân lân, vôi để cải thiện tính axit, nâng độ pH lên cao hơn, đồng thời bổ sung phân vi sinh và các chế phẩm sinh học Trichoderma.
  • Chỉ số pH đất từ 5,1 - 6,0: Đất có tính axit, cần bổ sung vôi, phân hữu cơ vi sinh để tăng độ phì nhiêu cho đất.
  • Chỉ số pH đất từ 6,1 - 7,0: Đất có tính axit trung bình, đây là loại đất phù hợp trồng các loại cây thông thường, là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động và phát triển.
  • Chỉ số pH đất từ 7,1 trở lên: Đất có tính hơi kiềm làm cho cây trồng bị vàng, có thể bổ sung các nguyên tố như: lưu huỳnh, sắt phunphat để giảm độ kiềm.
Bổ sung chế phẩm sinh học Trichoderma giúp nâng cao độ pH
Bổ sung chế phẩm sinh học Trichoderma giúp nâng cao độ pH

Sự ảnh hưởng của độ pH đất rất quan trọng trong việc trồng cây hữu cơ. Nó tác động đến quá trình phát triển, khả năng phát sinh dịch bệnh trên cây trồng. Vì vậy cần kiểm tra độ pH của đất để nắm bắt tình hình và có những biện pháp cải tạo hợp lý.

Không khí của đất

Phần khí trong đất tốt chiếm 30%, cung cấp oxi cho cây và làm cho đất tơi xốp. Không khí trong đất còn góp phần duy trì sự sống cho các vi sinh vật có lợi cho cây trồng. Điều kiện để cây có thể phát triển đó là khi đất trồng cung cấp đủ không khí cho cây sử dụng. Bạn có thể bón phân hữu cơ để cân bằng không khí trong đất, không nên nén đất quá chặt sẽ làm giảm không khí trong đất.

Cấu tạo đất

Cấu tạo đất trồng cây hữu cơ có vai trò quan trọng trong sự phát triển và sinh trưởng của cây. Đối với những loại đất có ít không khí, dày như đất sét sẽ khiến cây khó sinh trưởng, phát triển chậm. Đất cát có lượng không khí nhiều, tuy nhiên sẽ dẫn đến việc các chất hữu cơ được phân hủy nhanh chóng, cây không hấp thụ kịp. Chính vì vậy cần có tỉ lệ hợp lí để cây có thể phát triển tốt. Bạn có thể trộn 6 – 8cm phân hữu cơ vào đất cát, dùng lá khô, rơm, trấu để phủ xung quanh cây hoặc trộn đất sét với 3 – 5cm phân hữu cơ.

Chất dinh dưỡng

Đất có đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cây phát triển tốt, rút ngắn thời gian thu hoạch. Cách thông dụng nhất để cung cấp dinh dưỡng cho đất là bón phân. Tùy thuộc vào loại đất để lựa chọn các loại phân bón phù hợp. Đối với đất có độ phù nhiêu thấp, cần bón phân hữu cơ để tạo độ mùn cho đất. Đất nhiều đất sét cần bón nhiều phân hữu cơ, vùi nông. Với loại đất có chứa nhiều cát cần bón ít phân hữu cơ và rải rác nhiều lần. Đất kiềm thì không nên bón phân mang tính axit.

Nước

Một yếu tố không thể thiếu trong đất là nước, đất tốt chứa khoảng 30% nước. Để cây có thể sinh trưởng phát triển tốt bạn cần cung cấp một lượng nước đầy đủ. Đồng thời cần chú ý đến hệ thống thoát nước cho cây,tránh tình trạng ứ đọng nước gây ngập úng.

Những nguyên tắc cơ bản trong việc trồng rau hữu cơ

Để trồng rau hữu cơ không trở thành việc quá khó khăn thì bạn cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản. Dưới đây là các nguyên tắc cơ bản bạn cần phải nhớ trong quá trình trồng rau hữu cơ.

Quản lý nước tưới hợp lý

Đối với rau hữu cơ, nước tưới là yếu tố vô cùng quan trọng, vừa giúp cấu tạo tế bào, vừa giúp cây hấp thu dinh dưỡng. Nước tưới cho rau phải đảm bảo là nguồn nước sạch. Đồng thời, phải duy trì nguồn nước tưới hợp lý, có thể xây dựng hệ thống tưới cho các mô hình trồng rau hữu cơ như: hệ thống tưới phun sương, hệ thống tưới nhỏ giọt,… Trong các mô hình trồng rau hữu cơ thì việc tưới tiêu hợp lý là chìa khóa thành công. Chính vì vậy cần lựa chọn hệ thống, cách tưới tiêu hợp lý để rau phát triển một cách tốt nhất.

Đảm bảo sự đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là hệ thống mà ở đó bao gồm nhiều loài sinh vật sinh sống trong một môi trường nhất định. Đa dạng sinh học trong trồng rau hữu cơ là trồng các loại rau khác nhau trong cùng diện tích. Đối với những vườn rau hữu cơ thì việc đảm bảo đa dạng sinh học là rất cần thiết bởi trồng xen các loại rau với nhau có thể hạn chế được một số loại sâu hại. Tùy thuộc vào diện tích để bạn lựa chọn trồng xen kẽ bao nhiêu loại rau.

Bảo vệ môi trường đất

Yếu tố quan trọng đứng hàng đầu trong trồng rau hữu cơ là đất trồng. Đất cần đảm bảo an toàn, không chứa các chất độc hại. Ngoài ra, cần bổ sung các loại vi sinh vật có lợi cho đất để duy trì hệ sinh thái trong đất, giúp cây phát triển tốt và dễ hấp thu các chất dinh dưỡng.

Không biến đổi gen

Trong trồng rau hữu cơ, một nguyên tắc quan trọng nữa đó là không sử dụng các nguồn nguyên liệu biến đổi gen. Những nguyên liệu biến đổi gen có thể tiềm ẩn những di truyền bất lợi cho các thế hệ sau này, và làm cho đất trồng bị thoái hóa nghiêm trọng.

Không sử dụng các chất hóa học

Nguyên tắc cơ bản trong trồng rau hữu cơ là không sử dụng các chất hóa học. Để đảm bảo chất lượng cho rau về độ an toàn, sạch sẽ, nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Trồng rau sạch hữu cơ là nói không với các chất bảo vệ thực vật
Trồng rau sạch hữu cơ là nói không với các chất bảo vệ thực vật

Một số lưu ý khi trồng rau hữu cơ

Trồng rau không đơn giản, nhất là đối với rau hữu cơ,vì vậy khi trồng rau hữu cơ bạn cần lưu ý một số điểm sau.

Nên bắt đầu với những loại rau dễ trồng

Khi mới bắt đầu, nên chọn những loại rau ít bị sâu bệnh tấn công và dễ trồng như rau cải, rau ngót. Qua đó, bạn có thể có thêm nhiều kinh nghiệm về trồng rau sạch hữu cơ hơn.

Lựa chọn không gian thích hợp

Việc lựa chọn không gian thoáng, đủ ánh nắng, thuận tiện việc tưới tiêu cũng góp phần tăng hiệu quả cho việc trồng rau. Qua đó bạn có thể dễ dàng lựa chọn phương pháp trồng rau phù hợp với gia đình bạn.

Lựa chọn loại đất trồng phù hợp

Đối với những loại rau ăn lá như mồng tơi, rau xà lách, … cần lựa chọn đất thịt. Với những loại đất có thành phần chủ yếu là trấu, xơ dừa thì hàm lượng đất thịt ít, vì vậy khi sử dụng cần trộn lẫn và thay đất thường xuyên để đảm bảo chất dinh dưỡng cho rau phát triển.

Phân bón và dung dịch dinh dưỡng thủy canh

Đối với phương pháp trồng rau thổ canh, bạn cần cung cấp đủ lượng phân bón cho rau để rau phát triển nhanh, xanh tốt. Bạn có thể mua các loại phân bón hữu cơ tại các cửa hàng nông nghiệp hoặc tự làm phân bón hữu cơ, phân bón sinh học.

Đối với phương pháp trồng rau thủy canh, bạn có thể cung cấp các dưỡng chất cho cây qua các dung dịch dinh dưỡng. Dung dịch thủy canh giúp rau thúc đẩy quá trình phát triển, sinh trưởng nhanh.

Cung cấp một lượng phân bón, chất dinh dưỡng hợp lý cho rau không chỉ giúp rau phát triển nhanh, xanh tốt mà còn tăng năng suất, giảm thời gian chờ thu hoạch.

Yếu tố ánh sáng

Khi trồng rau hữu cơ trong nhà cần chú ý đến ánh sáng. Đây là yếu tố quan trọng cho quá trình quang hợp của rau. Nên trồng rau ở chỗ có ánh nắng để rau phát triển tốt. Nếu ánh sáng tự nhiên yếu, không đủ cung cấp cho cây, bạn nên trang bị đèn led, hệ thống đèn chiếu sáng để hỗ trợ quá trình sinh trưởng, phát triển của rau. Ngược lại, nếu trồng rau ở vị trí ánh nắng tự nhiên quá gay gắt sẽ khiến rau bị táp nắng, héo và phát triển không đều, cần trang bị lưới che cho rau.

Nên trồng rau ở những nơi có ánh sáng để rau phát triển tốt
Nên trồng rau ở những nơi có ánh sáng để rau phát triển tốt

Kiểm soát nấm mốc

Trong trồng rau hữu cơ, để đảm bảo chất lượng rau sạch sẽ, an toàn bạn không nên dùng các loại hóa chất diệt nấm mà nên sử dụng các biện pháp tự nhiên.

Một biện pháp đơn giản đó là kết hợp baking soda với xà bông và nước. Bạn có thể tạo hỗn hợp này để phun diệt nấm mốc mà không gây hại cho rau. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các biện pháp như sử dụng tỏi, gừng để kiểm soát nấm mốc bằng cách nghiền nhỏ và pha với nước, ủ ở nơi thoáng mát, sau đó pha với nước và phun cho rau.

Thường xuyên quan sát rau

Cần thường xuyên quan sát, kiểm tra rau tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu để phát hiện kịp thời các triệu chứng bất thường, bệnh hại, sâu hại trên cây rau. Nếu phát hiện sâu bệnh cần có biện pháp tiêu diệt ngay để không bị bùng dịch, qua đó có biện pháp phòng bệnh và biện pháp xử lý phù hợp.

Tạo môi trường phát triển cho côn trùng có ích

Trong môi trường tự nhiên luôn có sự tồn tại của các loại côn trùng có ích và côn trùng gây hại với tỉ lệ tương đương nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần tạo điều kiện cho côn trùng có ích phát triển hơn côn trùng gây hại bằng cách trồng các loại hoa thiên nhiên như đinh lăng, ba lá, …đây là môi trường tốt tạo điều kiện cho các loại côn trùng có ích phát triển.

Thu hoạch rau an toàn và hiệu quả

Với những loại rau thu hoạch được nhiều lần, bạn nên dùng kéo cắt để cây có thể phát triển nhánh mới. Các loại rau thu hoạch được một lần thì trong quá trình phát triển, bạn có thể tỉa bớt những cây dày để có không gian cho các cây khác phát triển.

Cải tạo đất trồng sau mỗi vụ

Sau mỗi vụ mùa, bạn có thể cải tạo đất trồng, bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh. Sau khi thu hoạch nên thu dọn tàn dư cây, vệ sinh cho vườn để diệt các mầm bệnh gây hại từ vụ trước. Để vụ sau có kết quả tốt, bạn nên cày xới đất để phơi ải đất từ 1 tuần, 1 tháng hoặc có thể lâu hơn nhằm cắt đứt nguồn gây hại cho vụ tới. Vừa làm hạn chế sâu bệnh vụ sau, vừa giúp đất vụ sau trồng có hiệu quả hơn.

Lợi ích của trồng rau hữu cơ

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều khiến môi trường ô nhiễm, thực phẩm kém chất lượng. Vì vậy, trồng rau hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống và thiên nhiên.

Dinh dưỡng và độ an toàn

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong rau hữu cơ cao hơn so với rau thông thường bởi thời gian sinh trưởng dài hơn. Rau hữu cơ có chứa 40% chất chống oxy hóa nên có hiệu quả cao trong phòng các bệnh về tim mạch, đường huyết,… và một số bệnh nguy hiểm khác.

Do được trồng một cách hoàn toàn tự nhiên, không có các chất kích thích, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, không biến đổi gen nên rau hữu cơ có độ an toàn cao và có những lợi ích nhất định.

Bảo vệ thiên nhiên và môi trường

Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, rau hữu cơ được trồng bằng phương pháp canh tác có lợi cho môi trường. Ngày nay, nhiều nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Việc trồng rau hữu cơ đã góp phần làm giảm lượng hóa chất vào môi trường, giúp bảo vệ nguồn đất, nước.

Ngoài ra, trồng rau hữu cơ còn giúp chống lại tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái hiện nay.

Kiểm soát xói mòn đất

Đây là một lợi ích quan trọng của việc trồng rau hữu cơ, khi điều kiện môi trường bị thoái hóa nghiêm trọng, thì trồng rau hữu cơ có thể giữ gìn độ phì nhiêu của đất và ngăn ngừa xói mòn.

Những khó khăn khi trồng rau hữu cơ

Bắt đầu với trồng rau hữu cơ bạn sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định về đất, phân bón hay giống cây. Tuy nhiên việc khắc phục sẽ không quá khó khăn nếu như bạn đam mê, kiên trì học hỏi.

Điều kiện đất trồng

Trồng rau hữu cơ thường gặp phải một số khó khăn về vấn đề đất trồng như: đất nghèo dinh dưỡng, đất khô hoặc quá mỏng.

  • Đất nghèo chất dinh dưỡng: Do không có phân bón, độ mùn thấp, không tơi xốp
  • Đất quá mỏng: Đất mỏng sẽ không đủ chỗ cho rễ cây phát triển.
  • Đất thiếu độ ẩm: Đất quá khô, lượng nước không đủ cho cây phát triển sẽ làm cho cây bị héo, úa vàng.

Phân bón

Để rau có thể phát triển thì cần một lượng dinh dưỡng hợp lý. Bón phân quá nhiều sẽ làm thay đổi nồng độ pH của đất, làm rau nhanh héo. Vì vậy, cần bón một lượng vừa phải cho rau hấp thu và phát triển. Quan niệm bón càng nhiều phân hữu cơ rau càng tốt là sai lầm.

Trồng rau quá dày

Để tiết kiệm diện tích, những người làm mô hình trồng rau hữu cơ thường trồng rau dày. Tuy nhiên, trên thực tế cách này làm thu hẹp không gian khiến cho cây rau không phát triển được.

Trồng rau quá dày sẽ khiến rau không phát triển được
trồng rau quá dày sẽ khiến rau không phát triển được

Vùng trồng rau thường hay bị ẩm, bẩn

Mô hình trồng rau bằng thùng xốp hay chai nhựa thường làm cho sân thượng hay khu vực trồng rau bị ẩm và bẩn do thoát nước không tốt, gây mất mỹ quan cho ngôi nhà của bạn.

Gợi ý một số giống rau hữu cơ phổ biến nhất

Trồng rau hữu cơ có thể áp dụng với nhiều loại rau, tuy nhiên khi mới bắt đầu bạn nên làm quen với những giống rau hữu cơ phổ biến, dễ trồng.

+ Rau muống: đây là giống rau dễ trồng, phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Sau khi ngâm hạt giống trong nước ấm, bạn có thể đem gieo rồi tưới nước thường xuyên để giữ ẩm, tạo điều kiện cho hạt nảy mầm. Rau muống phát triển nhanh, có thể thu hoạch được nhiều lần, khi thu hoạch bạn nên dùng kéo hoặc dao cắt ngang thân để chừa phần gốc để thu hoạch lần sau.

+ Mồng tơi: hạt giống rau mồng tơi dễ nảy mầm và phát triển rất nhanh. Khi cây cao từ 20 – 30cm thì có thể tiến hành thu hoạch.

+ Cải ngọt: khi trồng cải ngọt bạn có thể rải đều hạt giống trên bề mặt đất rồi phủ đất lên trên, tưới nước đều đặn 2 lần/ngày. Khi rau phát triển có 3 – 4 lá, bạn có thể tiến hành tỉa bớt những cây rau ở khu vực gieo hạt quá dày, tạo không gian cho rau phát triển. Có thể thu hoạch rau cải sau 30 - 35 ngày gieo trồng.

+ Hành lá: hạt giống hành sau khi ngâm với nước ấm đem trồng ở nơi đất tơi xốp, nhiều ánh sáng. Hành lá cho thu hoạch sau 40 – 45 ngày gieo trồng.

Trên đây là những thông tin về trồng rau hữu cơ Organic một cách đơn giản và hiệu quả nhất. Bạn có thể tham khảo và thực hiện để sở hữu cho mình một vườn rau sạch, dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe gia đình.

Xem thêm: