Bản tin Dak Lak

Đắp lá trị rắn cắn, hoại tử một cánh tay

Một thanh niên trú tại thôn 8, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, sau khi bị rắn cắn đã dùng lá đắp lên tay. Kết quả là cánh tay bị hoại tử phải cắt bỏ hoàn toàn.

Cái giá của việc tự chữa trị rắn cắn tại nhà

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, vừa qua đã phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn cánh tay phải của một nam thanh niên sau khi anh ta đắp lá trị rắn cắn dẫn đến hoại tử. Thanh niên đó là Y Lương Siu, sinh năm 2002.

Y Lương Siu tại bệnh viện

Y Lương Siu tại bệnh viện

Cách đó khoảng 2 tháng, Y Lương Siu cùng bạn lên núi chặt củi. Anh nhìn thấy một con rắn nặng gần 2kg nên cùng bạn bắt rắn. Kết quả là Y Lương Siu bị rắn cắn vào ngón trỏ tay phải.

Chủ quan cộng với thiếu hiểu biết, Y Lương Siu không nhập viện mà mua thuốc lá đắp của thầy lang trong vùng. 20 ngày sau, tức ngày 26/06, cánh tay nơi có ngón tay bị rắn cắn có dấu hiệu hoại tử. Lúc này gia đình mới đưa anh đến bệnh viện.

Bác sĩ Lê Tất Thắng, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao, bạch cầu cao, thiếu máu nặng, cánh tay bốc mùi hôi thối.

Không còn cách nào để cứu cánh tay đã bị hoại tử, các bác sĩ đành phẫu thuật cắt bỏ cánh tay phải của Y Lương Siu. Mặc dù phải cắt bỏ cánh tay nhưng tính ra Y Lương Siu vẫn còn rất may mắn vì chất độc không lưu thông vào cơ thể nên không dẫn đến tử vong.

Việc làm đúng nhất sau khi bị rắn cắn

Khu vực miền núi, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên có rắn, trong khi đó “thú vui” của thanh niên và các bạn nhỏ ở đây chính là đi bắn rắn. Do vậy, mọi người cần trang bị cho mình những kiến thức về sơ cứu và xử lý khi bị rắn cắn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như hoại tử cánh tay nói trên hay thậm chí là tử vong.

Cách xử lý đúng nhất khi bị rắn cắn

Cách xử lý đúng nhất khi bị rắn cắn

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sau khi bị rắn độc cắn thì cần tiến hành sơ cứu ngay trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Theo đó, các bước sơ cứu bao gồm:

  • Bệnh nhân nằm yên, không cử động vì nếu cử động chất độc sẽ truyền đến tim nhanh hơn;
  • Cố định vị trí bị cắn nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu (trừ khi biết chắc đó là loại rắn độc);
  • Nới lỏng quần áo, cởi bỏ trang sức nơi bị rắn cắn;
  • Nếu bệnh nhân thở nhanh, yếu hoặc tím môi thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo ngay;
  • Nếu bệnh nhân bị hoại tử, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên rồi nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện;
  • Cố gắng hoàn thành các bước sơ cứu càng sớm càng tốt để đưa bệnh nhân đến bệnh viện lớn – nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Dù là rắn lành hay rắn độc, người bị cắn không được chủ quan chữa trị tại nhà, mà cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 12 giờ. Nếu là rắn lành cắn, người bệnh sẽ sớm được về. Nhưng nếu là rắn độc, các bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời.

Giá như Y Lương Siu biết được những kiến thức sơ cứu nói trên. Giá như sau khi bị rắn cắn, Y Lương Siu không đắp bất cứ thứ gì mà đến thẳng bệnh viện thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

>>> Xem thêm: